Sang thăm và trải nghiệm trực tiếp môi trường làm việc ở FSOFT Việt Nam của các nhân viên người Nhật là dịp tốt để mọi người hiểu hơn về tổ chức mình gắn bó. Vì vậy, người đứng đầu FSOFT tin tưởng, qua chương trình, mỗi thành viên sẽ có những quan sát thú vị để chia sẻ cho các đồng nghiệp và khách hàng sở tại.
Go Vietnam số 3 diễn ra từ ngày 26/11 đến hết ngày 1/12 với sự tham gia của 24 CBNV người Nhật. Chủ tịch FSOFT Chu Thị Thanh Hà đã dành thời gian để chia sẻ với đoàn ngay trong buổi đầu gặp mặt.
Theo đó, chị Hà đã nhắn nhủ 3 điều tới các thành viên trong đoàn. Một là, mong các bạn sẽ quan sát và có so sánh môi trường làm việc của FPT tại Việt Nam để chia sẻ với khách hàng và đồng nghiệp tại Nhật; Hai là, mỗi người hãy tăng cường giao lưu với các đồng nghiệp Việt Nam, các đồng nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng và mong muốn học hỏi từ các bạn; Ba là, thông qua chuyến đi, thăm các công ty thành viên, các bạn hãy tích cực kết nối, mở ra cơ hội giao lưu với các đồng nghiệp trong FPT.
Trước đó, Chủ tịch FSOFT đã giới thiệu những thông tin sơ bộ về FPT và FSOFT tới các thành viên trong đoàn nhằm giúp mỗi người có cái nhìn bao quát hơn.
Sau 35 năm phát triển, FPT hiện có gần 70.000 CBNV trên toàn cầu, được đánh giá là công ty sở hữu nhiều nhà khoa học, kỹ sư nhất Việt Nam. Trong 10 năm đầu, tập đoàn chủ yếu làm các giải pháp về CNTT trong nước. Đến năm 1999, với khát vọng mang trí tuệ Việt ra toàn cầu, FPT đã thành lập FSOFT.
Chỉ từ vài thành viên, đến nay FSOFT có gần 28.000 CBNV, hiện diện tại 30 quốc gia. Trong gần 25 năm phát triển của mình, Nhật Bản luôn là thị trường quan trọng và lớn nhất của FPT nói chung, FSOFT nói riêng.
“FPT đã từng sang Ấn Độ, sang Mỹ cho công cuộc toàn cầu hóa nhưng chỉ thu về bài học sau những thất bại. Thị trường giúp FPT/FSOFT có được thành công đầu tiên chính là Nhật Bản. Ở đây, không chỉ có khách hàng, đối tác, mà quan trọng hơn là có tình cảm hữu nghị giữa người dân hai nước, giữa đội ngũ các kỹ sư”, Chủ tịch FSOFT nhấn mạnh.
Đặc biệt, với độ tuổi trung bình là 28, lực lượng lao động trẻ tại FPT/FSOFT sẽ bù đắp sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho lộ trình này, chị Hà đã chia sẻ nhiều chương trình mà FSOFT đang triển khai như 10KBrSE, FlyUp, Brush Up và mới nhất là 13K5…
Qua câu chuyện cá nhân, chị Hà cũng nhắc tới chuyến công tác kéo dài 6 tháng tại Nhật ngay trong năm đầu nhậm chức Chủ tịch FSOFT khi đại dịch Covid diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trong nửa năm onsite tại xứ sở anh đào, chị Hà đã tham gia 150 cuộc gặp gỡ với khách hàng tại đây.
Chuyến onsite dài nhất trong suốt 30 năm làm FPT của chị Hà và câu chuyện FPT quyết bám trụ tại Nhật năm 2011 khi thảm họa kép diễn ra là hai dấu mốc thể hiện sự sát cánh, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng của FPT tại thị trường quan trọng bậc nhất. Qua đây, chị Hà nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, thân tình của hai bên, đồng thời, tự hào khi những nỗ lực của người FPT tại Nhật đã giúp FJP tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 18 năm qua.
Đoàn Go Việt Nam rất ấn tượng với những chia sẻ của chủ tịch FSOFT và rất quan tâm tới vấn đề nhân lực trẻ, chương trình 13K5 và tiềm năng trong các lĩnh vực mà FSOFT đẩy mạnh trong thời gian tới như Healthcare, Automotive….
24 thành viên cũng thích thú với món quà là tấm thiệp Ngày phụ huynh của FSOFT do chị Hà gửi tặng với thông điệp, mỗi người sẽ biết được các campus của công ty và sẽ có thời gian trải nghiệp tuyệt vời trong chuyến đi này.
Theo lịch trình, trong 1 tuần ở Việt Nam, đoàn sẽ thăm Hola Park, các công ty thành viên FPT trước khi vào Đà Nẵng, thăm trường Hy Vọng.
Go Việt Nam là chương trình do Ban Diversity FJP phối hợp với các bên liên quan tổ chức. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp CBNV global có thể khám phá nơi làm việc của các đồng nghiệp FPT, tăng cảm giác thân thuộc giữa văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Đây là chuyến thứ 3 của chương trình, tổng số CBNV tham gia là 59 người.
TN