Trưa ngày 13/12, CBNV FSOFT Huế đã đại diện cùng FJP, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA, các kiểm lâm viên thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Liềm trồng 1.002 cây (sao đen, lim, gõ) tại vùng đồi trọc ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Toàn bộ số cây giống này do FJP tài trợ chi phí.
Rừng Khe Liềm ở Phong Điền là một vùng đệm giữa đường cao tốc La Sơn – Tuý Loan, đây là con đường huyết mạch mới mở nối Quảng Trị với Đà Nẵng với Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Khu rừng hiện bị ảnh hưởng bởi việc thi công đường cao tốc nên có nhiều sườn đồi bị sạt lở, trống trọc không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên mà còn cả hệ sinh thái. Việc trồng cây xanh tái sinh các ngọn đồi bị sạt lở và xói mòn do mưa lớn là rất cần thiết.
COO FJP Phạm Thị Thanh Hoa cho biết, với khẩu hiệu “FPT Japan forest project: Plant trees – Save life”, FJP chọn nơi đây để phủ xanh bởi khu rừng là lá phổi xanh của Việt Nam. Nằm trong vùng sinh thái Trường Sơn, đây là một trong 200 vùng sinh thái trọng điểm toàn cầu với hệ tài nguyên sinh học đa dạng và giàu có. Trong đó có nhiều loại quý hiếm ở cấp quốc tế như gà lôi lam mào trắng, báo gấm, gấu ngựa, vượn đen má hung…
Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án EcoVadis của FSOFT và FJP với nỗ lực hình thành những mảng xanh giúp hấp thụ khí carbon, tiến gần đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, góp phần vào mục tiêu chung “Net Zero 2050” mà Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh.
Dự kiến, sau khi trồng 1.002 cây lim và sao đen, gõ do FJP tài trợ, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên GAIA sẽ trồng thêm 1.251 cây xanh khác do 191 cá nhân/nhóm đóng góp tự nguyện.
Toàn bộ số cây sẽ được trồng trong hố đã bón lót phân, với khoảng cách 2,5m trồng 1 cây. Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt từ 70% – 80%, bằng việc trực tiếp trồng, giám sát và chăm sóc định kỳ trong vòng 4 năm. Sau 4 năm, khu rừng sẽ được tiếp tục bảo vệ bởi Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Liềm.
“Hàng ngày, chúng ta dùng xăng dầu, dùng ga, nước từ thiên nhiên… đã tạo ra một lượng khí thải nhất định cho môi trường. Nếu không có hoạt động để bảo vệ thiên nhiên, giảm hiệu ứng khí thải nhà kính lên môi trường, thì chúng ta đang tự huỷ hoại môi trường sống của các thế hệ mai sau. Đây cũng là tiêu chuẩn mà FSOFT đang theo đuổi trong chuẩn EcoVadis”, anh Trịnh Minh Việt – Giám đốc FSOFT Huế chia sẻ.