Tất cả FSOFTer và người thân khi sang Nhật làm việc dài hạn sẽ được hỗ trợ gói chuyển vùng ổn định cuộc sống và học bổng tiếng Nhât. FPT Japan (FJP) mong muốn, chính sách này có thể giúp onsiter phần nào giảm bớt gánh nặng các thủ tục và khuyến khích CBNV yên tâm khi lập nghiệp tại xứ sở Phù tang.
Dự kiến vào tháng 4 tới, chuyến bay đầu tiên trong năm nay đưa gần 60 FSOFTer quay lại Nhật sẽ cất cánh sau khoảng 2 năm đường bay “đóng băng” vì dịch Covid-19.
Để khuyến khích CBNV sang Nhât làm việc dài hạn và bổ sung nguồn lực cho công ty tiến đến mục tiêu 333 trong năm 2022, CEO FJP Đỗ Văn Khắc đã phê duyệt chính sách đặc biệt dành cho onsiter là CBNV FSOFT và người thân, áp dụng từ ngày 8/3 đến ngày 31/12/2022.
Theo đó, tất cả onsiter sang Nhật dài hạn sẽ nhận hỗ trợ chuyển vùng bao gồm chi phí ổn định cuộc sống lên đến 100 triệu đồng và được tham gia chương trình học tiếng Nhật miễn phí của công ty. FJP cũng sẽ bố trí người tư vấn cho CBNV để sớm “an cư lạc nghiệp”.
Đặc biệt, với các FSOFTer mang theo gia đình sang cư trú trong đợt này, công ty sẽ hỗ trợ thêm cho 1 người thân của CBNV (là vợ/chồng/con) học tiếng Nhật trong vòng 1 năm (bao gồm thời gian học trước khi sang Nhật 3 tháng) và cấp học bổng tại Trường Nhật ngữ FPT Japan (FJA) trị giá lên tới gần 70 triệu đồng. Sau khi học xong, FJP cũng hỗ trợ tìm việc và giới thiệu các khóa học lên cao cho người thân của CBNV.
Theo CEO FJP Đỗ Văn Khắc, FJP dự kiến tuyển thêm khoảng 550 nhân sự trong năm nay để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Ngoài việc bổ sung các chuyên gia quản lý người Nhật nhằm tăng tỷ lệ người bản xứ tại công ty từ 12% lên 30% trong 3 năm tới, FJP cũng cần bổ sung nguồn nhân lực SE (software engineer) chất lượng cao từ Việt Nam sang và xây dựng chương trình 1.000 SE high level ở mảng Cloud, Basic design, Data Engineer…
So với các công ty bản địa, FJP đang có nhiều lợi thế về thu nhập cạnh tranh, các chính sách hỗ trợ, đào tạo dành cho CBNV và người thân. Với uy tín của công ty, CBNV có nhu cầu định cư tại Nhật sẽ có đủ kiện mua nhà ưu đãi sau 3 năm.
Hiện, nhu cầu nhân lực tại Nhật Bản tăng cao nhất là sau thời gian các đường bay dừng hoạt động. Theo Jica, ước tính tới năm 2030, Nhật Bản có thể bị thiếu hụt 630.000 nhân lực nước ngoài. Chính phủ nước này cũng đang đưa ra nhiều đãi ngộ để thu hút lao động nước ngoài nhằm hướng tới việc biến Nhật Bản trở thành điểm đến lý tưởng. Theo thống kê, trong số 1,72 triệu lao động nước ngoài, tỷ lệ lao động Việt Nam chiếm 26%.
Trước đó, từ ngày 1/3 Nhật Bản đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh cho người lưu trú dài hạn hoặc lưu trú ngắn hạn (dưới 3 tháng) với mục đích thương mại, lao động. Đây chính là thời điểm thuận lợi để lao động nước ngoài nói chung, người FSOFT nói riêng sang làm việc, định cư.
Tại Nhật Bản, FJP được biết đến là công ty công nghệ nước ngoài có quy mô nhân lực lớn nhất với khoảng 1.700 CBNV. Trong 16 năm qua, FJP đã không ngừng tăng trưởng thị phần công nghệ và dịch vụ CNTT tại Nhật. FJP đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ lọt top 20 công ty IT Service lớn nhất Nhật Bản với doanh số 600M USD và khoảng 3.000 người.