6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Buy now

10 NĂM NHÌN LẠI, NHỮNG KÝ ỨC KHÓ PHAI…

“Khi trận động đất diễn ra, mọi người thực sự hoảng sợ. Tức là nếu sợ hãi tột độ là 10, những trận động đất trước đó cỡ khoảng 1, 2 thì lần này mức độ có thể tới 7, 8”, chị Nguyễn Cẩm Tú (MCP.JMC) nhớ lại khoảnh khắc thất thần khi thảm họa động đất diễn ra vào 10 năm trước .

Một thập kỷ đã trôi qua kể từ trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011. Ký ức đau thương đã phần nào dịu đi trong sự hồi sinh mạnh mẽ tại những vùng đất từng gánh chịu trận thiên tai lịch sử ấy. Nhưng trong mỗi người dân Nhật Bản, cũng như trong những cán bộ FPT Japan (FJP), đó là những ký ức không thể phai mờ.

“Toà nhà cứ không ngừng rung chuyển, theo phản xạ và như những gì đã được dạy từ trước, chúng tôi chui vội xuống gầm bàn. Chui thật sự đấy!!!”, chị Tú kể.

Tiếng đổ vỡ phát ra từ một số thứ trên nóc tủ rơi xuống đất tanh bành, một lúc sau, trận rung lắc kết thúc. Về sau này, nhìn hình ảnh về những toà nhà bị rung lắc được chiếu trên TV, chị Tú mới biết tình trạng của mình cũng như các đồng nghiệp tại công ty là rất nhẹ nhàng. So với những người làm việc trên các tòa nhà cao tầng, thật khó để hình dung ra họ đã thực sự cảm thấy thế nào.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều người phải quốc bộ 4, 5 tiếng để về nhà. Nhưng tất cả mới chỉ là mở màn, vì cuộc chiến sẽ bắt đầu vào những ngày sau đó, và có thể kéo dài tới hàng tháng, hàng năm. Bởi, cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã diễn ra đồng thời sau dư chấn của trận động đất.

Ký ức còn lại nhiều nhất trong chị Tú, không chỉ là những lo ngại cho toàn bộ người dân vùng Kanto có khả năng nhiễm rò rỉ phóng xạ, đặc biệt là những đứa trẻ, những người phụ nữ mang thai… mà còn là hành động dũng cảm của những người dân Nhật Bản, ngày đêm tìm cách xông vào nhà máy điện Fukusima để giải quyết vấn đề. Câu chuyện về những hành động đẹp của người Nhật, vẫn giữ đạo đức tốt ngay cả trong khó khăn đã khiến cho chị và những người nước ngoài phải thán phục.

Dù thừa nhận cũng có “chút chút” lo lắng, nhưng chị Tú và nhiều đồng nghiệp khác đã kiên cường bám trụ. Từ đó đến nay, mọi người vẫn làm việc ở đây, tại FPT Japan, trải dài từ Bắc xuống Nam.

“Thi thoảng chúng tôi vẫn tự nhắc, chúng ta đã vượt qua những điều đó, chúng ta vẫn ổn. Thậm chí sau đó 1 năm những bông hoa vẫn nở, thật nhiều, thật đẹp, và cứ thế theo qui luật của thiên nhiên”, chị Tú nói.

CEO FJP Nguyễn Việt Vương cũng không thể quên thời điểm khi cơn động đất ập tới. Đó là vào giữa giờ buổi chiều, khi anh đang làm việc tại văn phòng Osaka thì cảm nhận một cơn rung chấn cực mạnh, khá lâu. Ngay lập tức, tin từ Tokyo thông báo trận động đất cực mạnh tại tâm chấn Fukushima. Tiếp theo đó là lượng thông tin khổng lồ được cập nhật liên tục về sóng thần, con số người thương vong và kinh khủng nhất là rò rỉ phóng xạ.

“Trong bối cảnh đó, không ít anh em trong công ty đã hoang mang, lung lay tinh thần, xin về nước. Được cấp trên giao nhiệm vụ, ngay khi phát sinh sự, cố Ban đối ứng khẩn cấp đã được thành lập, một mặt tìm hiểu và cập nhật thông tin phóng xạ liên tục để động viên anh em giữ tinh thần lạc quan; mua hàng hoá từ Osaka để tiếp tế cho văn phòng Tokyo; đồng thời xây dựng phương án back up nếu phóng xạ rò rỉ, Tokyo nguy hiểm thì di chuyển anh em xuống Osaka rồi đưa về Việt Nam bằng chatter flight thuê của VNA bay từ Osaka”, anh Vương kể.

Ban đối ứng khẩn cấp đã duy trì hoạt động suốt từ thời đó nên công ty luôn có những hành động ứng phó nhanh gọn, kịp thời trong các vụ thiên tai, động đất, lũ lụt về sau. Cũng nhờ những kinh nghiệm ấy mà khi đại dịch COVID-19 mới bắt đầu, ngay thời điểm tháng 1/2020 Ban đối ứng đã kích hoạt nhanh chóng, thiết lập các phương án từ khích lệ tinh thần anh em đến việc tổ chức các chuyến bay cứu trợ đưa FJPers về Việt Nam.

Mới sinh con nhỏ nên khi cảm thấy những rung lắc đầu tiên, chị Vũ Thị Hà Tuyên (FJP.SMO) kéo mẹ và bế con chui vào gầm bàn. “Mẹ tôi khá bình tĩnh và bảo rung nhẹ này chắc không sao. Chui trong gầm bàn tôi bật TV lên để xem thông tin. Khoảnh khắc bật tivi lên tôi mới bàng hoàng và cảm nhận rõ ràng trận động đất này kinh khủng đến thế nào. Rồi đến đoạn sóng thần ập tới thì tôi không tin vào mắt mình nữa. Rồi sau một vài ngày, những thông tin về phóng xạ làm cho mọi người hoang mang nhiều hơn nữa, có lẽ mang lại nỗi lo lắng còn hơn cả khi có những đợt rung lắc đầu tiên. Ấn tượng sâu đậm với tôi lúc đó và cả đến giờ là dù cho bên ngoài nhiều du học sinh, người nước ngoài lũ lượt kéo về nước thì đồng nghiệp ở Tokyo và khu vực lân cận vẫn vững tâm làm việc, không để ảnh hưởng đến khách hàng và công việc đang chạy” – chị Tuyên nhớ lại.

Chủ tịch FSOFT Chu Thị Thanh Hà nhìn nhận, 10 năm qua, tinh thần tập thể, lạc quan, vững mạnh của mỗi người tại tiền tuyến đã giúp FPT Japan vượt qua thảm hoạ kinh hoàng. Chị tin rằng, bằng tinh thần ấy, người FJP sẽ tiếp tục mạnh mẽ để vượt qua đại dịch COVID-19 hiện nay.

Với quy mô 1.500 nhân viên, FPT Japan đã trở thành thành viên của Liên đoàn tổ chức kinh tế (Keidanren) và đứng vào hàng ngũ các công ty lớn. Tuy nhiên, vấn đề lớn của FJP là trong 3 năm qua chưa phát triển tương xứng với quy mô. Bởi vậy, Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng, mọi người hiểu rõ con đường đang đi, cụ thể hóa, cùng nhau thực hiện để tạo ra kết quả và phát triển hơn nữa.

“Mấy hôm trước có một trận động đất với 4 độ richter đã xảy ra ở khu vực Kanto. Cho dù đang ở nhà thì cũng thấy rung chuyển khá mạnh. Tôi lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu đang làm việc ở văn phòng. Người xưa vẫn hay nói rằng “tai họa sẽ xảy ra khi bạn quên chúng”. Nên hãy hết sức chú ý cẩn thận và hoàn thành công việc nhé!”, cụ Ogawa, cố vấn cấp cao FPT Japan nhắn nhủ.

Related Articles

Mới nhất