8.9 C
New York
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024

Buy now

Nữ PM 9x thử thách chính mình bằng hành trình ‘vượt sóng vươn xa’

Hạnh phúc với hành trình của mình, điều chị Dương Thị Nhàn (Quản trị dự án (PM) – FPT Japan) tự hào nhất không phải những thành tích mình đạt được, mà chính là việc đã trở nên bản lĩnh hơn, lỳ đòn hơn trước những khó khăn và tốt hơn chính mình của ngày hôm qua.

Từng khởi nghiệp với một cửa hàng nhỏ khi còn ngồi ở giảng đường, sau khi ra trường, chị Nhàn nhận ra mình chưa đủ kinh nghiệm để phát triển mô hình kinh doanh rộng và hiệu quả hơn. Thế là cô gái trẻ quyết định đóng cửa và bắt đầu hành trình “vượt sóng vươn xa” trong sự nghiệp của mình.

Đi để trở về

Tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương, dù không có kiến thức về mảng công nghệ nhưng chị vẫn nộp hồ sơ vào FPT Software, rồi nắm giữ vị trí BA (Business Analyst – Phân tích nghiệp vụ kinh doanh). Thời điểm đó, yêu cầu về tiếng Anh và tư duy logic là điều kiện cần thiết ở vị trí này, đúng sở trường và năng lực, Nhàn đã mạnh dạn thử sức. Đó là khoảng thời gian hơn 5 năm trước.

Đảm nhận vị trí BA, công việc của chị là trao đổi và tư vấn những mong muốn, kì vọng của khách hàng, truyền tải thông tin đến đội dự án. Sau một thời gian, vì yêu thích việc quản trị dự án và con người, chị trở thành PM, onsite và đảm nhiệm các dự án với các khách hàng ở châu Âu, Mỹ, Nhật. Tuổi trẻ của chị là hành trình “đi để trở về”.

Vào công ty chưa lâu, có một dự án cần đi onsite tại Nhật Bản, dù không biết lấy một chữ tiếng Nhật, chị Nhàn cũng quyết định xách ba lô lên và đi. “Lúc đó, tôi đang làm ở thị trường Mỹ, nhưng khách hàng Nhật lại mong muốn mình sang làm dự án để tạo môi trường toàn cầu cho công ty của họ. Khi đi chỉ nghĩ sẽ mất nửa năm, biết nước Nhật thế nào rồi về. Nhưng cơ duyên đến, tôi gặp “người thương” ở đây và chuyến onsite Nhật đầu tiên kéo dài tận một năm rưỡi”, chị kể.

Trở về Việt Nam với dự án đầu tiên khi làm PM, chị Nhàn lại tiếp tục trải qua 3 tháng onsite ở Đức. Điều này khiến cô gái trẻ gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm quản lý đội dự án từ xa. Lại sang onsite vào mùa đông nên cảm giác lạc lõng cứ đeo bám. Nhanh chóng lấy lại tinh thần, chị nhận ra chính những khoảng thời gian kiểu “lặng lẽ Sa Pa” ấy đã giúp bản thân có nhiều sáng kiến hay ho cho công việc.

Trở thành người trẻ nhất công ty khi giành chứng chỉ PMP (do Viện Quản lý Dự án Mỹ cấp) và vô địch cuộc thi PM Contest năm 2018, chị vẫn khiêm tốn: “Tôi tham gia để hưởng ứng phong trào của đơn vị và học hỏi từ các anh chị. Chiến thắng là nhờ sự kết hợp “đúng người, đúng thời điểm” và một chút may mắn. Lúc đó, nhóm có lợi thế về tiếng Anh, là đội toàn nữ duy nhất nên cũng gây nhiều ấn tượng cho giám khảo và khán giả. Thêm vào đó, dự án thực tế tôi đang tham gia có nhiều bài học gần với đề tài cuộc thi nên mình có cơ hội thể hiện tốt hơn”.

Không lâu sau khi vô địch cuộc thi, chị quyết định quay lại xứ sở hoa anh đào để cùng chồng phát triển. Nhưng lần này quay lại sẽ không phải là “tạm bợ” nữa, mà cần phải có kế hoạch lâu dài, trong đó, chắc chắn tiếng Nhật phải tốt thì mới có nhiều cơ hội. Thế là gác lại công việc dự án, chị tham gia khóa học 10K BrSE (kỹ sư cầu nối) dài 9 tháng để bắt đầu hành trình chinh phục thị trường Nhật của mình.

Từ bỏ thị trường nói tiếng Anh để sang Nhật Bản, nhiều người tiếc nuối vì sợ chị mất đi lợi thế. Nhưng với nữ PM, đây lại là cơ hội để thử thách chính mình. “Sang Nhật không đồng nghĩa với việc mình mất đi ngôn ngữ và những kinh nghiệm làm việc với khách hàng Âu Mỹ, mà chính việc vừa biết tiếng Anh, lại giao tiếp được tiếng Nhật, vừa học tập sự chăm chỉ của người Nhật, vừa có sự linh hoạt của phương Tây, tôi thấy mình có nhiều lợi thế hơn”, chị trải lòng.

Nghiêm khắc và mềm dẻo đúng thời điểm

Hiện đảm nhận vị trí Quản trị dự án của FPT Japan, lúc cao điểm, chị ôm 4 dự án thuộc mảng Utility – ngành kinh doanh mới của FPT Japan cùng lúc. Làm việc với niềm yêu thích thực thụ, giữ tinh thần lạc quan đã giúp chị luôn hoàn thành tốt công việc của mình.

“Tôi tin rằng sẽ không có đường tắt để đến đích nhanh nhất, chỉ có chạy gấp đôi, gấp ba thì mới có thể về đích sớm hơn . Hoàn thiện của bản thân, có năng lực, trình độ và một số kết quả xứng đáng là đích đến của tôi. Vậy nên, tôi nghĩ chỉ có thật chăm chỉ, vấp ngã rồi chạy thật nhanh thì mới giúp mình tiến bộ nhanh nhất”, chị chia sẻ.

Nói về nữ PM 9X, đồng nghiệp Nguyễn Đức Hiền (PM đơn vị GAM.TCA) chia sẻ: “Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, không có nền tảng về công nghệ thông tin nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, Nhàn đã mau chóng nắm vững chuyên môn. Nhàn cũng sở hữu khả năng giao tiếp rất tốt, tạo cảm giác cởi mở thân thiện khi nói chuyện. Tính tình thoải mái, luôn giúp đỡ mọi người xung quanh”.

Nhớ về một dự án từng khiến chị tiêu tốn nhiều công sức và thời gian, khi khách đã rất tin tưởng vào FPT, nhưng sản phẩm chưa thực sự hoàn thiện nên khi triển khai cho khách hàng gặp nhiều vấn đề. Chị suy nghĩ liên tục tìm cách giải quyết, chỉ đơn giản vì không muốn khách hàng mất niềm tin vào FPT, một thương hiệu mà đã bao nhiêu người dày công vun đắp.

Nhảy vào hỗ trợ khi dự án “cháy bùng bùng”, mặc dù khi ấy đang mang bầu 4 -5 tháng, liên tục mấy tuần, tuần nào cũng bắt tàu cao tốc từ Tokyo xuống Nagoya để ngồi cùng khách, nghe được đánh giá và kì vọng của khách hàng và trực tiếp hỗ trợ khi cần thiết.

“Thời điểm đó là mấy tuần tăng ca và ở khách sạn thường xuyên, theo dõi team dự án thật chặt, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa trực tiếp nhảy vào từng chức năng (function), trao đổi từng chi tiết (item) trong yêu cầu với khách. Tôi đứng ở vị trí của khách để chỉ đạo nhóm dự án cũng như nghiệm thu. Cuối cùng, với sự đồng lòng của anh em dự án thì dự án cũng theo đúng tiến độ”, chị kể.

Tuổi trẻ xa nhà và xa chồng

Kết hôn được 3 năm, chồng cũng là đồng nghiệp tại FPT Japan. Lần đi onsite tại Nhật Bản, chị ở ký túc xá công ty và gặp anh. Trò chuyện, thân quen rồi quyết định về chung một nhà. Quãng thời gian yêu nhau là những ngày tháng chồng ở Nhật, vợ về Việt Nam hoặc ngược lại.

“Khi chính thức sang Nhật lâu dài sau chương trình 10K BrSE, vì tính chất dự án, hai vợ chồng vẫn sống cách nhau mấy trăm cây số, chỉ cuối tuần mới gặp được. Tháng 6 vừa rồi, chúng tôi mới gọi là về chung tổ ấm đúng nghĩa”, chị tâm sự.

Tuổi trẻ là năm tháng xa gia đình, nhưng với chị, chính mong muốn chinh phục ước mơ, cố gắng hết mình để gia đình có cuộc sống tốt hơn, bố mẹ tự hào đã giúp chị quên đi một phần nỗi nhớ nhà.

“Tôi không phải là người có điều kiện tốt từ đầu, vì vậy từ khi đi học đã cố gắng tự lo cho mình và gia đình. Mình không thể chờ đợi điều may mắn hoặc đột phá sẽ đến khi bản thân không chịu bắt đầu và cố gắng”, chị nói.

Từng tự đặt áp lực cho bản thân mình khi rất sợ thất bại, chính những thành tích có được khi còn quá trẻ khiến chị lo sợ sẽ làm sai. Một thời gian dài, chị cứ xoay quanh guồng quay công việc, chỉ được làm tốt và tốt hơn.

“Dần dà, tôi nhận ra mình đã quá khắt khe với chính mình. Gần đây, tôi nghĩ nhiều về một câu nói mà một lãnh đạo hay chia sẻ. Đó là làm dự án giống như đánh trận vậy, tướng thắng là tướng trở về được, bị thương cũng không sao. Ngẫm ra điều ấy, tôi đỡ bị áp lực và tự tin hơn để giải quyết khi gặp khó khăn”, chị nói.

Sau 5 năm, chị Nhàn vẫn tin rằng, vào FPT là môt quyết định đúng đắn vì nó mang đến quá nhiều trải nghiệm và cơ hội. “Tôi nghĩ là mình không xuất sắc, điểm bắt đầu cũng bình thường. Nhưng vì bản thân thích thử thách, lại được trao cho nhiều cơ hội để thử thách, rồi “nghiện” luôn cảm giác đấy từ lúc nào. Chính điều ấy đã giúp tôi có được hôm nay, mỗi ngày đều đẩy giới hạn của mình đi xa hơn được một chút”, chị tâm sự.

Related Articles

Mới nhất