8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Buy now

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Những gì chúng tôi làm ở Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản”

Tạp chí IT Japan với chủ đề vượt qua khủng hoảng, tăng tốc tăng trưởng đã đăng tải bài chia sẻ của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Trong đó, người đứng đầu FPT tin tưởng, với kinh nghiệm triển khai các dự án tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, FPT có thể góp phần giải quyết thách thức của các công ty Nhật Bản trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và cùng nhau phát triển.

Những năm gần đây, nhiều công ty Nhật Bản quan tâm đến chuyển đổi số. Trong khi đó, tình trạng thiếu nguồn lực trong mảng này ở Nhật Bản đang ngày càng trầm trọng. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp trong báo cáo “Điều tra cung và cầu nguồn nhân lực CNTT” đã dự đoán, Nhật Bản sẽ thiếu 500.000 kỹ sư CNTT trong năm 2030. Dù chiến lược có tuyệt vời đến đâu, Nhật cũng không thể hành động nếu không có nguồn nhân lực.

Chìa khóa để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số là cần số lượng lớn những người có trình độ công nghệ CNTT tiên tiến và hiện đại. Điều này không chỉ diễn ra ở Nhật Bản mà tương tự ở Việt Nam, một quốc gia trẻ với dân số khoảng 100 triệu người, cũng đang nỗ lực để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT.

Xác định đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT và phát triển công nghệ như một quốc sách, Việt Nam đã đầu tư ngân sách quốc gia cho việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số và phát triển công nghệ, đào tạo ra những kỹ sư CNTT mới xuất sắc với trình độ cao hàng năm.

Đón đầu xu thế, FPT cũng sở hữu một trường đại học và đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, FPT tập trung vào chương trình giáo dục, dự đoán các công nghệ tiềm năng trong tương lai và đào tạo thực nghiệm phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Hiện, FPT có 7 trung tâm phát triển trên khắp Việt Nam là điểm khởi đầu để phát triển nguồn nhân lực. Ngoài việc ủy thác phát triển hệ thống từ khắp nơi trên thế giới, FPT cũng đang nỗ lực tạo ra môi trường làm việc chất lượng cao với sự đầu tư tích cực vào cơ sở hạ tầng. Tập trung vào giáo dục về chuyển đổi số và khả năng chuyển đổi nguồn nhân lực… giúp Việt Nam có rất nhiều kỹ sư CNTT xuất sắc, FPT cũng đang tập trung đào tạo những kỹ sư có thể nói tiếng Nhật.

“Với đặc tính quốc gia quen thuộc với Nhật Bản, chúng tôi tự tin rằng có thể hỗ trợ chuyển đổi số gần với chiến lược và chính sách của các công ty Nhật Bản hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, anh Bình khẳng định.

Trong quá trình chuyển đổi số, FPT cung cấp nhiều dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng. Tập đoàn không chỉ tạo ra sự hiểu biết chung về DX và cách thực hiện mà còn chú trọng tới việc nâng cao nhân thức của mỗi nhân viên để thúc đẩy những thay đổi. Một trong số đó là AI (Trí tuệ nhân tạo).

FPT cũng cung cấp những đề xuất khác nhau phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp. Hoạt động tích hợp giữa phát triển, vận hành và bảo trì được FPT thiết kế linh hoạt nhằm giảm chi phí và tạo ra những giá trị kinh doanh mới. Những kinh nghiệm triển khai của FPT có thể hỗ trợ chuyển đổi số hiệu quả và thúc đẩy DX của nhiều công ty Nhật Bản.

Việc tăng năng suất và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách thành lập một trung tâm phát triển với hàng trăm người đã được FPT áp dụng hiệu quả. Hiện, FPT đang có trung tâm nghiên cứu và phát triển (nearshore) tại Okinawa, kết nối Nhật Bản và Việt Nam. FPT cũng có thể hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp địa phương và các công ty liên doanh tại Việt Nam.

Khi cuộc chiến giành vị thế chuyển đổi số đang gia tăng trên thế giới, Việt Nam có cơ hội tiếp tục chứng minh giá trị tồn tại của mình trong lĩnh vực chuyển đổi số.

“Câu hỏi đặt ra là Nhật Bản sẽ làm thế nào để lấy lại vị thế dẫn đầu về công nghệ thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam và Tập đoàn FPT sẽ góp phần giải quyết thách thức của các công ty Nhật Bản trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và cùng nhau phát triển”, Chủ tịch FPT khẳng định.

Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất Việt Nam, FPT nói chung, FPT Software nói riêng tham gia vào nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan chính phủ tại Việt Nam và xây dựng hệ thống lõi tại các ngân hàng lớn. Tập đoàn đã được các công ty trên khắp thế giới, bao gồm cả Nhật Bản tin tưởng giao phó việc phát triển hệ thống và phần mềm.

Sau hơn ba mươi năm từ khi thành lập, FPT hiện đang hoạt động tại 26 quốc gia và có gần 40.000 nhân viên trên toàn cầu. Thực hiện chủ trương toàn cầu hóa, FPT đã thành lập công ty pháp nhân riêng tại Nhật Bản vào năm 2005 và có văn phòng trên khắp nước Nhật từ Tokyo, Osaka, Fudahoro, Fukuoka, Hiroshima… Phần lớn, đội ngũ kỹ sư Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đều có thể nói tiếng Nhật và đã góp phần nâng cao giá trị doanh nghiệp bằng cách sử dụng CNTT và sát cánh với khách hàng Nhật Bản trong mọi tình huống.

Related Articles

Mới nhất