8.7 C
New York
Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Buy now

“Cá hồi về nguồn” chia sẻ sự hoà hợp và cân bằng hai văn hoá Nhật-Việt

Câu chuyện từ những “lão làng” chinh chiến lâu năm trên đất Nhật, hay cách vẫy vùng nơi đất khách của các tân binh đã được các anh em DLG trao đổi trong buổi Cafe Talk No.15 vào cuối tuần qua. 10 câu chuyện là 10 màu sắc khác nhau đã mang đến biết bao tâm tư cũng như lời khuyên giúp các thành viên làm thế nào để hoà nhập mà không hoà tan tại xứ sở Hoa Anh đào.

Một thực tế là đa số các anh em đều trải qua giai đoạn khó khăn khi bước chân ra vùng trời mới. Tại nước Nhật, sự khác biệt về suy nghĩ, văn hoá cũng như rào cản ngôn ngữ là những thách thức với những người con lần đầu xa quê. Những điều này đã được các “cá hồi” lão làng của DLG thấu hiểu để chia sẻ những tâm sự và đưa ra lời khuyên cho “đàn em”.

Nguyễn Tuệ Linh (DLGJ.LOG) đã ghi lại những chia sẻ thú vị trong buổi trò chuyện.

1. Sự khác nhau rõ rệt giữa văn hoá của người Nhật và người Việt

⦁ Người Nhật thường rất cẩn thận, tỉ mỉ, luôn làm theo quy trình đã định sẵn. Đây là một điều tốt vì khi đã có đường đi lối bước sẵn, người Nhật chỉ việc làm theo và sẽ ít gặp trục trặc trong công việc hơn. Nhưng, cũng vì thói quen làm việc theo quy trình một cách quá nghiêm khắc, có nhiều người Nhật làm việc một cách quá máy móc, không biết tự hỏi bản thân là cách làm việc này có còn hiệu quả không.

⦁ Người Nhật là những người công tư phân minh. Việc của cá nhân tránh không mang vào trong công việc. Trong đời tư, có thể không thích một đồng nghiệp nào đó nhưng khi liên quan đến công việc, người Nhật sẽ cố gắng gạt bỏ cảm xúc cá nhân và chú tâm vào hợp tác để hoàn thành công việc tốt đẹp. Đó là cách suy nghĩ vì cộng đồng, chứ không phải chỉ suy nghĩ cho cá nhân mình.

⦁ Người Việt thì thường ít chú trọng tới sự tỉ mỉ và hoàn hảo. Vì lý do này nên nhiều anh em khi làm cùng với người Nhật hay làm ở Nhật sẽ bị khách hàng chỉ trích.

⦁ Người Việt là những con người dễ sống, chúng ta thích nghi với môi trường nhanh hơn, học hỏi nhanh và luôn nỗ lực khi đối mặt với khó khăn cuộc sống. Với điểm mạnh này, không ít anh em người Việt đã có thể trụ lại nơi đất Nhật khắc nghiệt này trong thời gian rất dài.

2. Chúng ta học được gì từ người Nhật và người Nhật (nên) học gì từ chúng ta?

⦁ Người Việt chúng ta luôn thể hiện những cảm xúc hỉ nộ ố ái ra ngoài. Đó không phải là sai vì chúng ta sống thực với bản thân mình, nhưng trong công việc, chúng ta nên gạt những cảm xúc riêng sang một bên và hãy là một người chuyên nghiệp. Trong công việc, chúng ta lấy chất lượng thành phẩm và thành quả làm cái đích nên hãy ứng xử sao cho chuyên nghiệp.

⦁ Người Nhật thường hay giấu cảm xúc thật của bản thân vì họ cho rằng như vậy là lịch sự. Điều đó cũng không sai vì nó giúp giữ hoà khí trong môi trường làm việc, nhưng nó cũng vô hình chung gây ra một khoảng cách giữa con người với con người. Nếu như người Nhật có thể mở lòng và chia sẻ những cảm xúc của mình dễ hơn (như người Việt) thì khoảng cách giữa con người với con người sẽ được thu ngắn.

⦁ Người Nhật thường hay làm việc máy móc còn người Việt thì lại hơi xuề xoà. Cả hai bên đều có thiếu sót nên nếu mỗi bên đều học được cách cân bằng lại thì công việc sẽ thuận lợi và linh động hơn.

3. Những lời khuyên chân thành từ các “Cá hồi lão thành”

⦁ Luôn tôn trọng sự thật

Khi làm việc với người Nhật, chúng ta đặt fact (sự thật) và honesty (chân thành) lên đầu. Người Nhật trân trọng sự thật thà và đó cũng là một cách để xây dựng mối quan hệ với Khách hàng. Nếu khó quá hay gặp khó khăn trong công việc, hãy nói cho họ biết để họ có thể giúp đỡ hay tìm cách giúp đỡ. Nếu như phải cãi nhau với Khách hàng thì cứ lôi fact ra để cãi, có thể thắng, có thể thua nhưng sự thật luôn là sự thật.

⦁ Hãy là chính mình

Cuộc sống nơi đất khách có thể gặp nhiều khó khăn trong hoà nhập nhưng hãy luôn giữ bản chất của mình. Khi bạn là chính mình sẽ có những người phù hợp kết nối với bạn. Chúng ta có thể cố gắng thay đổi bản thân tốt hơn, học tiếng Nhật và cư xử Nhật hoá hơn để hoà nhập dễ dàng hơn nhưng chúng ta không nhất thiết phải hoà tan.

⦁ Luôn cố gắng nỗ lực cải thiện bản thân mình trước

Người Việt chúng ta đôi khi hay đổ tại người Nhật lạnh lùng hay văn hoá Nhật nghiêm khắc, nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại bản thân mình. Chúng ta nên chủ động sửa hoặc cải thiện bản thân mình tốt hơn (ngôn ngữ, cách suy nghĩ, cách tiếp cận vấn đề…) để việc hoà nhập dễ hơn.

⦁ Hãy có tinh thần trách nhiệm cao

Mỗi onsiter cần có tinh thần trách nhiệm đối với công việc và đối với team, những lúc có vấn đề không nên đỗ lỗi cho một ai mà coi nó cũng như là vấn đề của mình, cùng team tìm cách giải quyết thì sẽ có được sự tôn trọng và gắn bó từ các thành viên khác trong team.

⦁ Hãy đặt mình lên vị trí “chiếu trên”

Mindset chiếu trên giúp chúng ta khẳng định vị trí của bản thân khi làm việc với người Nhật. Chúng ta hãy cho họ thấy rằng người Việt cũng có thể làm những điều người Nhật đã và đang làm, thậm chí là tốt hơn. Mặc dù có rào cản về ngôn ngữ, nhưng đừng dùng cái đó làm giới hạn của bản thân. Không biết phải hỏi, có học sẽ có khôn.

⦁ Hãy tìm cái neo níu giữ lại mình trong những lúc muốn buông xuôi

Ở Việt Nam hay ở Nhật, người Việt hay người Nhật cũng đều có những lúc xuống tinh thần và muốn buông xuôi. Người Việt xa nhà ai cũng có ít lần trải qua cảm xúc này nhưng trong những lúc cuộc sống và công việc khó khăn, chúng ta không cần thiết phải nhìn về phía trước mà hãy quay lại đằng sau và nhìn những người thân và gia đình đã luôn đứng sau ủng hộ chúng ta như thế nào. Ai đi xa đi gần gì đều có gia đình để quay về, nên trong những lúc mệt mỏi, hãy tìm lại cái neo đó và tiếp bước trên con đường đời.

Related Articles

Mới nhất