3.5 C
New York
土曜日, 11月 23, 2024

Buy now

Người đặt nền móng cho mảng CAD/CAE tại FPT

Tham vọng mang về nhiều việc khó với đơn giá cao, thể hiện được năng lực của các kỹ sư CAD/CAE Việt Nam là động lực để anh Trịnh Văn Thảo (CPO.FJP) từ bỏ công việc tại Nissan Techno và đầu quân về FPT Software. Trong 11 năm gắn bó với nhà Phần mềm, hơn nửa thời gian làm mảng thiết kế kỹ thuật xe hơi, anh Thảo cùng các đồng nghiệp chính là những người đầu tiên đặt gạch xây nền cho một lĩnh vực vốn được xem là “khó nhằn” với đa số công ty công nghệ khác.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Thảo gia nhập Nissan Techno Việt Nam trong vai trò kỹ sư phần mềm. Quá trình làm việc tại công ty của Nhật, anh nhận thấy, phần lớn các kỹ sư người Việt được Nissan lựa chọn để làm những công việc khó. Một suy nghĩ nung nấu trong anh lúc đó là phải giúp các kỹ sư Việt Nam có thể trực tiếp nhận việc từ khách hàng, cũng là cách để đưa trí tuệ Việt vươn ra thế giới. Bởi thế, sau khi tham gia chuyến thăm của Nissan Techno với FPT Software vào năm 2007, anh Thảo trở thành người Phần mềm.

Nhưng giấc mơ chưa thực sự bắt đầu, chỉ vài tháng gia nhập công ty, anh Thảo thấy bản thân không phù hợp với công việc và xin nghỉ. Đến năm 2009, anh quay lại FPT Software và gắn bó tới giờ.

Thời điểm ấy, FPT Software bắt đầu có một vài dự án với khách hàng châu Âu về mảng CAD/CAE (thiết kế kỹ thuật xe hơi). Đây là công việc anh Thảo đã học hỏi được ít nhiều sau quá trình làm việc tại Nisan Techno. Mất thêm một vài năm cùng các AM đi thuyết phục khách hàng, công ty đã có những hợp đồng đầu tiên từ Nhật Bản, mảng việc này mới bắt đầu khởi sắc. 

Cuối năm 2013, trong cuộc họp Ban lãnh đạo FPT Software, Chủ tịch FPT Japan Trần Đăng Hòa (Khi đó là Giám đốc FSU11) đã đề xuất mở rộng nhiều lĩnh vực để tăng doanh số cho công ty, một trung tâm chuyên trách về cơ khí mang tên GET (Global Engineering and Technology – Công nghệ và kỹ thuật toàn cầu) đã ra đời do anh Thảo làm Giám đốc.

CAD/CAE là một trong những hướng dịch vụ đã và đang rất phát triển trên thế giới với phạm vi ứng dụng rộng lớn, từ sản xuất ô tô – xe máy – trang thiết bị cho tới xây dựng, hàng không, cầu đường… Thông thường, quy trình sản xuất một chiếc ô tô gồm 6 bước, kéo dài khoảng 3-4 năm. Sau khi tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu thị trường, hãng xe sẽ quyết định hình dáng thiết kế. Tiếp đó là tạo mẫu thiết kế tự động trên máy tính (CAD – Computer Aids Design). Phân tích và kiểm tra độ an toàn và các chỉ tiêu kỹ thuật khác (CAE – Computer Aids Engineering) sẽ được thực hiện trước và sau công đoạn chế tạo thử nghiệm xe. Ô tô được sản xuất đại trà nếu vượt qua khâu này.

Mỗi chiếc ô tô có khoảng 4-5 chục nghìn chi tiết, FPT Software sẽ chịu trách nhiệm thiết kế một phần hoặc một cụm chi tiết. Ở mức độ cao hơn, các kỹ sư nhà F có thể tư vấn cho khách hàng và tham gia vào các công đoạn thiết kế ô tô dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy và nắm vững quy trình.

Dưới sự dẫn dắt của anh Thảo, năm 2014, doanh số của GET đạt 1 triệu USD. Con số này đã tăng gấp 3,5 lần sau một năm và liên tục cán đích mục tiêu vào những năm sau đó. GET cũng tiếp cận và ký kết hợp đồng với những công ty hàng đầu của Nhật trong lĩnh vực CAD/CAE. Nhật Bản được xem là thị trường trọng điểm của ngành và là điểm tựa để FPT Software vươn ra thị trường Mỹ, châu Âu như mảng phát triển phần mềm đã làm được trước đó.

Nhờ sự móc nối của anh Hòa và anh Thảo với Nissan, FPT Software cũng đã “xây” được một team offshore về CAD/CAE tại Việt Nam. Hiện, với hơn 300 kỹ sư, FPT Software/ FPT Japan chỉ đứng sau Nissan Techno về quân số trong mảng CAD/CAE. Dự kiến năm 2020, doanh thu từ CAD/CAE sẽ đạt 14 triệu USD. 

Dù chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số doanh thu của FPT Software, nhưng những con số mà mảng CAD/CAE mang về có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện hướng kinh doanh của Phần mềm FPT.

“Nhiều khách hàng từng rất bất ngờ khi biết trong một công ty phần mềm lại có hẳn một bộ phận lớn làm về cơ khí. Đây cũng là sân chơi để các kỹ sư Việt Nam gia nhập và thực hiện khát khao mang trí tuệ Việt vươn xa”, anh Thảo cho hay.

Có thể nói, khoảng thời gian được tham gia mảng việc có phần đặc biệt so với phần mềm tại FPT Software đã cho anh Thảo những trải nghiệm thú vị. Cùng với việc phát triển hướng kinh doanh mới, bằng sức ảnh hưởng và uy tín của mình, anh Thảo cũng đã “kéo” được nhiều kỹ sư giỏi trong mảng này hội tụ về FPT Software.

“Hồi ấy cũng không nghĩ sẽ làm gì quá to tát, nhưng tôi và các anh em luôn tin tưởng, mảng Engineering sẽ phát triển như tham vọng của ban lãnh đạo: phần cứng sẽ lớn mạnh như phần mềm”, anh Thảo chia sẻ.


Cuối năm 2018, khi FPT Software có chiến lược thành lập các VI (Vertical industry), anh Thảo được tin tưởng gia nhập đội ngũ BOD của VI MFG. Từ đầu năm 2019, phần việc liên quan tới CAD/CAE cũng nhập vào MFG và được chuyển giao cho anh Nguyễn Công Chỉnh. Trong vai trò Phó giám đốc MFG, nhiệm vụ của anh Thảo là thực thi các chính sách và chiến lược nội bộ của VI. Đến tháng 9 năm nay, anh tiếp tục được bổ nhiệm kiêm nhiệm, trở thành Giám đốc Nhân sự (CPO) đầu tiên của FPT Japan.

Tự nhận mình là tuýp người kiên nhẫn, thực thi, đi tới cùng… nhưng thời gian “tại vị” ở các công việc anh từng đảm nhận phần lớn đều “bị” thay đổi do yêu cầu phát triển của tổ chức. Điều may mắn là, chính những trải nghiệm khi tham gia giải quyết các vấn đề nhân sự ở những công việc khác nhau, từ Kỹ sư cầu nối (BrSE) đến Quản trị dự án (PM), Phụ trách sản xuất (Delivery Leader) hay Bán hàng (Sales)… đã giúp anh Thảo có cái nhìn toàn diện về công việc mới liên quan chặt chẽ tới yếu tố con người.

“Làm CPO là một thử thách rất thú vị vì sẽ được tham gia giải quyết những bài toán lớn hơn, mang tính chất lâu dài hơn. Đối tượng khách hàng cũng thay đổi nhiều. Nếu trước đây, khách hàng của tôi chủ yếu là những công ty mà mình nhận việc, thì nay, khách hàng chủ yếu là CBNV của FPT Japan. Khó khăn chắc chắn có vì nhân sự bao giờ cũng phải có cách làm và cách tiếp cận khác so với khi làm ở đơn vị sản xuất, tôi sẽ phải học hỏi rất nhiều”, anh Thảo chia sẻ.

Hiện, cùng với định hướng lọt vào Top 20 công ty IT hàng đầu của Nhật, FPT Japan cũng đặt mục tiêu có 2.500 CBNV vào năm 2025. Bài toán mới đặt ra cho anh Thảo là xây dựng đội ngũ xứng tầm với mục tiêu đó.

“Điều quan trọng nhất với một công ty nước ngoài ở Nhật là câu chuyện Glocalization – làm sao kết nối được người nước ngoài và người Nhật thành một khối thống nhất để phục vụ cho chiến lược kinh doanh chung của công ty. FPT Japan sẽ cần khoảng 200 Consultant và hàng nghìn nhân sự làm được level cao trong hành trình nâng tầm vị thế từ công ty IT Outsourcing offshore sang công ty Tư vấn giải pháp cho khách hàng”, CPO cho hay.

Tổng kết lại 11 năm gắn bó với FPT, điều khiến anh Thảo nuối tiếc nhất là hồi còn làm mảng Mobile. Khi mới vào công ty, anh vẫn giữ cách nghĩ và cách làm tại công ty Nhật, tự làm nhiều thứ và tập trung quá nhiều cho phát triển kinh doanh mà không chú tâm vào đào tạo, xây dựng và phát triển nhân lực PM. Đến khi dự án tăng quy mô, anh em trong team phải làm việc rất vất vả để khỏa lấp khoảng trống mỗi khi Leader vắng mặt. May mắn sau này, những anh em ngày đó đều đã trưởng thành từ sự khắt khe của khách hàng, anh Thảo cũng bớt áy náy.

Bài học này đã đi cùng anh suốt những năm tháng qua và anh luôn tự nhắc nhớ bản thân mỗi khi nghĩ tới vai trò hiện tại của mình. Nếu năm xưa, khát vọng của anh Thảo là làm CAD/CAE để kiếm thêm việc về cho anh em, thì ngày nay, mục tiêu mới anh đặt ra là “tiếp xúc với nhiều anh em, lắng nghe anh em và giúp đỡ họ để họ có thể tiến xa trong công việc”.

Bài viết được thực hiện nhân dịp FJP sinh nhật 15 năm. 

Related Articles

Mới nhất