Hà Thanh Tùng lặng lẽ thao tác trên bàn phím. Clip chuẩn bị cho sự kiện lớn của công ty chỉ còn vài tiếng nữa phải hoàn thành. Chàng trai trẻ vẫn miệt mài chỉnh từng hiệu ứng, bỏ quên chiếc đồng hồ đã điểm 5h30 sáng. Đêm qua và nhiều đêm khác, Tùng ngồi làm việc trong thinh không để kịp cho ra đời những sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình…   

———————————————–

Ban ngày làm việc, đi quay, ban đêm ngồi dựng, cảnh tượng này đã quen thuộc với Tùng đến nỗi, có thời gian cậu coi đó là nếp sinh hoạt thường ngày.

Tùng bảo, công việc của cậu cần một tâm trạng thoải mái để sáng tạo. Bởi thế, có hôm ngồi cả buổi không “nặn” được chữ nào, nhưng có lúc chỉ cần 1 tiếng đã xong.

Tốt nghiệp chuyên ngành quay phim truyền hình, thế mạnh của Tùng là hình ảnh. Chọn chỗ đặt góc máy, quan sát khuôn hình, cậu có thể “lên khung” ngay trong đầu 1 chiếc clip “đủ vị” về sự kiện.

Từ tháng 9 tới giờ, FPT Japan tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm. Thời gian làm việc của Tùng không chỉ tính bằng 8 tiếng mỗi ngày. Say sưa chải chuốt những thước hình, tỉ mẩn chọn từng giai điệu phù hợp, sự khắt khe với mỗi “đứa con tinh thần” luôn giúp Tùng thỏa mãn khi sự kiện kết thúc và thu về những lời khen.

Năm 2019, khi nhận được đề nghị sang Nhật, chàng trai trẻ từng do dự bởi những dòng suy nghĩ đan xen: Có nên đi khi mọi việc đang ổn? đi thì sẽ ra sao? Phải bắt đầu thế nào?… Cuối cùng, cảm giác được trải nghiệm cuộc sống và làm công việc yêu thích ở một đất nước hoàn toàn mới mẻ đã gạt bỏ hết âu lo. Thấm thoát Tùng đã ở đây hơn 1 năm trong vai trò phóng viên nội bộ FPT Japan.

Với nhiệm vụ đảm bảo các hoạt động truyền thông trong công ty, góp phần gắn kết các chi nhánh, dù chẳng ai ép, Tùng tự coi nhiệm vụ của mình phải trực chiến 24/7. Các cửa sổ chát đầy ắp luồng tin từ khắp mọi nơi đổ về, hoạt động ngày đêm không nghỉ, rất nhiều sản phẩm ấn tượng đã được cậu “ươm mầm” và “thu hoạch” từ đây.

Dẫu chỉ có một mình, nhưng Tùng đã vận hành công việc tại FPT Japan như một tòa soạn thu nhỏ. Đầy đủ các hình thức truyền thông từ tin bài, phóng sự ảnh đến livestream, gameshow… được thực hiện bằng những công cụ sẵn có là máy ảnh và laptop. Do công nghệ sáng tạo còn thô sơ, nên nhiều lúc gặp “sự cố” về âm thanh, mọi người lại réo: “Tùng ơi! Tùng ơi, đâu rồi đâu rồi”…. Trách nhiệm là “người kết nối” khiến Tùng luôn tận lực mỗi ngày.

 

 

 

 

Thời gian đầu, phần lớn trong các cuộc họp hay sự kiện, chàng trai trẻ chỉ đứng lặng lẽ, quan sát. Dần dần, qua những sản phẩm truyền thông về con người và hoạt động của công ty, cái tên Hà Thanh Tùng được nhận diện. Người FPT Japan biết tới Tùng như một “hotline” khi cần đưa tin và truyền thông cho sự kiện.

Năm qua, dù ảnh hưởng của Covid, mạch thông tin trong và ngoài tại FPT Japan vẫn luôn thông suốt. Tỷ lệ tăng trưởng trên workplace đạt 30%, hàng trăm số FJP TV cùng các bản tin FJP theo tuần được phát sóng đều đặn, 15 số gameshow “Who know FJP”… ra đời trong sự đón nhận của mọi người. Không chỉ thế, Tùng còn sản xuất Sách điện tử về FPT Japan, tham gia tổ chức các cuộc thi nội bộ để gắn kết anh em. Chương trình “Tâm sự thời chiến” do Tùng và cộng sự sản xuất đã giành được giải Bạc iKhiến của tập đoàn.

Nỗ lực và không ngừng sáng tạo, Tùng lọt Top 6 Tam hậu FPT Japan 2020 và được CBNV bình chọn là Á hậu 1, danh hiệu cao quý dành cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động sản xuất và hỗ trợ kinh doanh của công ty tại Sum-up vừa qua.

COO FPT Japan Phạm Thị Thanh Hoa, quản lý trực tiếp của cậu, nhận xét: “Việc gì Tùng cũng không bao giờ e ngại, đã quyết thì sẽ làm mọi thứ để chương trình được phát sóng thành công. Trong mọi tình huống, Tùng luôn hiểu hoàn cảnh, hiểu điều kiện của mình, của tập thể, từ đó thể hiện tài xoay sở và sáng tạo một cách miệt mài, không mệt mỏi trong suốt cả năm”.

Làm truyền thông nội bộ còn cho Tùng cơ hội được gặp gỡ nhiều người, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, cậu học ở họ nhiều điều cả trong công việc lẫn cuộc sống. Song điều Tùng cảm thấy may mắn nhất là cùng với một người sếp nghiêm khắc nhưng vô cùng tâm lý, luôn tạo cơ hội cho cậu được thử sức những điều muốn làm, bên cạnh Tùng còn có anh em đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Hôm BTC đưa “bài toán” cho 3 ứng viên trả lời, do đặc thù công việc chỉ quen đứng sau ống kính nên cậu không tự tin nói trơn tru. Buổi tối trước ngày Sum-up diễn ra, Tùng gọi cho Lương Phan Minh Hoàng (FJP.EJP1) “cứu trợ”. Hai anh em chỉ có 20 phút để sáng tạo một MV đậm chất STCo cho phần trình bày. Đó là một trong những kỷ niệm về đồng đội mà chắc chắn Tùng không thể nào quên.

Nhìn lại những “quả ngọt” vừa qua, Tùng nghĩ tới câu nói của Chủ tịch FSOFT Chu Thị Thanh Hà khi hỏi chị về “yếu tố thành công của 1 cá nhân?”. Chị Hà bảo: “Chỉ có sự nỗ lực của chính mình mới là thành công bền vững. Không ai sinh ra đã giỏi, ai cũng có điểm yếu. Hãy phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu”.

Cuộc sống tại Nhật của chàng trai trẻ từng gặp nhiều khó khăn về văn hoá, và phương thức làm việc. Từ chỗ không phân biệt được đâu là chai nước mắm, đâu là chai giấm, Tùng đã dần khắc phục. Hiện, cậu đang cố gắng học tiếng Nhật mỗi ngày…