FPT đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD tại thị trường Nhật Bản vào năm 2027, tăng trưởng 30%/năm, quyết tâm vươn tầm “world class” – đẳng cấp thế giới.
Chia sẻ trong Báo cáo thường niên 2023, anh Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc FSOFT, cho hay Tập đoàn đang chuyển mình vượt khỏi nhóm các công ty dịch vụ CNTT vừa và nhỏ trên toàn cầu bắt đầu một cuộc đua mới với điểm đích gần nhất là cột mốc doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2023 FPT ghi nhận doanh nghiệp đã vượt qua được “cơn gió ngược” của thị trường, tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu vượt kế hoạch, đạt 19,6%, dẫn dắt bởi đà tăng đến từ cả 3 khối Công nghệ (tăng 22,1%), Viễn thông (tăng 7,3%) và Giáo dục, đầu tư, khác (tăng 52,5%).
Đáng chú ý, năm qua cũng đánh dấu việc FPT chính thức vượt mốc 1 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu phần mềm cho thị trường nước ngoài với con số 24.288 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng tăng 27% lên 3.782 tỷ đồng. Doanh thu tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng cao tại cả 4 thị trường, trong đó, thị trường Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất.
Tại thị trường trọng điểm Nhật Bản, FPT đang đứng trước vận hội lớn khi quốc gia này đang chạy đua với chuyển đổi số, ra sức ghép nối chuỗi cung ứng phát triển và vận hành hệ thống CNTT nhằm bắt kịp với các nước phương Tây, đặc biệt sau khi mở cửa hậu đại dịch Covid-19. Ngoài ra, FPT nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang ngày càng chiếm được ưu thế tại thị trường Nhật Bản do xu hướng dịch chuyển từ các công ty cung ứng dịch vụ CNTT đến từ quốc gia khác sang Việt Nam.
Đứng trước cơ hội trên, cùng với năng lực và nguồn lực công nghệ của FPT, doanh thu từ thị trường Nhật Bản được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng cao trên 30%/năm, hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2027, tiếp tục giữ vai trò là thị trường trọng điểm của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, doanh thu từ thị trường khác cũng đang tăng tốt bởi nhu cầu chuyển đổi số tăng cao.
Chiến lược chung cho khối Công nghệ, kế hoạch năm 2024 được thống nhất là 38.150 tỷ đồng doanh thu và 5.195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trên 20% so với năm trước. Ngân sách đầu tư cho khối công nghệ là 2.200 tỷ đồng, thông qua đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quy Nhơn… cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Có thể thấy từ mô hình triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, FPT đã “lột xác”, đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, chính thức bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới (world class) của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD toàn cầu. Xa hơn, FPT đặt mục tiêu bước lên đẳng cấp cao hơn với 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.