Để thực thi các chiến lược dài hạn, việc vấp phải những khó khăn, trở ngại là điều không thể tránh. Nhưng, niềm tin chính là thứ đã giúp người FPT từng viết lên lịch sử. Và quyết tâm hợp lực từ những lãnh đạo cao nhất của FPT, FSOFT và FPT IS (FIS) đã khẳng định, đây sẽ là mấu chốt để các bên đi tới thành công trong tương lai.
Hội nghị Cross Sales giữa FSOFT – FIS diễn ra tại Nhật trước sự chứng kiến của TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch FSOFT Chu Thị Thanh Hà đã cho thấy cam kết cao nhất từ phía tập đoàn cũng như lãnh đạo hai bên về chủ trương Synergy (hợp lực).
Thông qua cam kết này, FSOFT sẽ tập trung bán các thế mạnh của FIS để cung cấp dịch vụ đầu cuối hoàn chỉnh (end-to-end) cho tệp khách hàng sẵn có. Mục tiêu của sự kiện nhằm thúc đẩy doanh thu, và quan trọng hơn là lập ra những liên minh nội khối để củng cố sức mạnh năng lực của FPT tới khách hàng toàn cầu.
Chủ tịch FIS Trần Đăng Hòa khẳng định, niềm tin là thứ mà mỗi người cần phải nắm giữ để làm nên cơ đồ. Điều này được anh Hòa chứng minh qua những cột mốc của FPT.
Đó là khi thành lập tập đoàn với 13 thành viên ban đầu, niềm tin đã giúp các anh kiếm được tiền. Đó là khi FSOFT với công cuộc xuất khẩu phần mềm “xuất hay là chết”, niềm tin đã giúp người FPT kiếm tiền bằng công nghệ ở nước ngoài. Và lần này, với sự kiện Cross Sales tại Nhật, Chủ tịch FIS tin tưởng, người FPT có thể kiếm được nhiều tiền bằng sản phẩm, giải pháp công nghệ do chính tay chúng ta làm ra.
“Chắc chắn giống như những lần trước, sẽ có nhiều khó khăn, trắc trở, có thể việc này không thành, nhưng hay giữ lấy niềm tin”, anh Hòa khẳng định.
Mới đây, FIS vừa nhận đơn hàng cung cấp gần 70 triệu chip tới năm 2025. Đây cũng là một trong những “trái ngọt” từ niềm tin vào phần cứng của FPT khi đã trụ vững ở phần mềm. Mặc dù để có được thành công này, FPT từng trải qua những giai đoạn “đứt gãy” nhân sự chuyên trách, không vượt qua được giới hạn ban đầu về định hướng đầu tư… Chỉ có niềm tin ở lại và chính niềm tin đã giúp FPT nâng tầm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn.
Trở lại định hướng synergy với FIS, TGĐ FSOFT Phạm Minh Tuấn cho hay, FSOFT muốn tăng trưởng lớn cần phải thành lập liên minh, tạo ra tiếng nói liên quân và coi đây là mục tiêu trong nhiều năm tới.
“Để hiện thực hóa chuỗi mục tiêu tỷ đô, FSOFT cần linh hoạt chuyển đổi sang mô hình khác để giúp công ty có thể scale-up lên các dự án khủng. Việc thành lập các liên minh nội khối giữa các thị trường, công ty thành viên, các FSU, các teams… tạo ra chuỗi cung ứng lớn và toàn diện là điều cần thiết”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cũng nhìn nhận, FIS từng có rất nhiều chiến công lẫy lừng trong nước như 100 ngày giải cứu sàn HOSE, vé tàu điện tử, thuế, banking… nhưng lại chưa mang được ra nước ngoài để kiếm tiền. Do đó, qua hợp tác lần này, anh mong mọi người hãy duy trì khát khao đó để biến nó thành hiện thực.
“Sự cổ vũ động viên không chỉ bằng lời nói, bằng tinh thần mà bằng những KPI cụ thể. Tôi muốn FIS cam kết 3 điều: người của FIS hiện diện tại Nhật hay các thị trường trọng điểm; chúng ta phải có dự án thật để ra được mô hình supply-chain, cải thiện năng lực hạ tầng; kỳ vọng 90% dự án đầu tiên thành công…”, TGĐ FSOFT nhấn mạnh.
Ngoài ra, anh Tuấn cũng cho rằng, trong quá trình liên minh, mỗi CBNV tham gia chuỗi cung ứng đều phải có năng lực đặc biệt. Mỗi người sẽ cần làm tốt nhất công việc của chính mình, bởi một mắt xích đứt sẽ làm cả hệ thống gãy.
Synergy từng là từ khóa của FPT, ra đời từ Hội nghị chiến lược FPT 2010. Mặc dù không quá mới mẻ nhưng bài toán 1+1>2 vẫn được xem là việc khó mà FPT muốn đẩy mạnh trong thời điểm hiện tại.
Chủ tịch FSOFT Chu Thị Thanh Hà nhận định, đây là việc đúng thời điểm và là cơ hội để FPT có thêm “một cánh quân nữa” tại nước ngoài cùng với FSOFT. Và chị cũng kỳ vọng, với sự bổ khuyết cho nhau, hai bên sẽ thể hiện tinh thần One-teams, mang đến nhiều giá trị cho cả hai bên và cho các khách hàng.
Tô Ngà