Trường Duy mở đầu câu chuyện bằng sự thẳng thắn, điềm đạm. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó thuộc tỉnh Quảng Nam, Duy đã sớm phụ giúp gia đình từ những năm học phổ thông.

“Hồi đó, cứ đến dịp nghỉ hè là mình lại ra Đà Nẵng làm phụ hồ. Tháng ngày theo chân các nhóm thợ xây, phụ trộn vữa, đào đất, quét vôi… cho những ngôi nhà mới ở thành phố, mình tự hỏi không biết khi nào mới có được một ngôi nhà cho riêng mình, nhỏ thôi, thậm chí trong hẻm cũng được”, Duy kể.

Ước mơ đó không ngừng thôi thúc Duy nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Năm 18 tuổi, Duy quyết định “tự lực cánh sinh” bằng con đường xuất khẩu lao động sang Nhật và sau 3 năm, anh trở về nhà với vốn tiếng Nhật đã đạt đến N3 cùng kinh nghiệm làm việc với người Nhật.

“May mắn thay, khi về Việt Nam, tôi nhận được công việc đầu tiên ở một văn phòng BPO (gia công quy trình kinh doanh) của Nhật. Mức lương chưa đến 5 triệu, nhưng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng vì đó đã là khởi điểm quá tốt với một người không có bằng cấp”

“May mắn” – đó là từ liên tục được Duy nhắc đến trong suốt cuộc trò chuyện. Vì đã may mắn, anh càng chăm chỉ để không bỏ phí bất cứ cơ hội nào đến với mình. “Do đặc thù công việc, chúng tôi thay phiên nhau trực đêm kéo dài cả tuần. Những khi phải làm quá giờ hoặc trực thay bạn, tôi không nề hà vì luôn muốn mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, Duy tâm sự.

 

 

 

Năm 2018, sau 5 năm làm việc hết mình, được cấp trên tin tưởng giao phó vị trí quan trọng ở công ty cũ, Duy lại quyết định đầu quân cho FSOFT bởi lý tưởng “cống hiến cho Việt Nam”.  Khao khát được làm việc tại một công ty Việt Nam và mang thật nhiều việc về cho người Việt chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong anh. Nên ngay khi có cơ hội được nói chuyện với Ban lãnh đạo FPT Software Đà Nẵng trong buổi phỏng vấn, thấy được tiềm năng và những cơ hội không giới hạn tại đây, anh Duy đã chính thức gia nhập FSOFT.

Giai đoạn này cũng được xem là thời hoàng kim của DPS khi đơn vị tăng trưởng 100% mỗi năm. Để duy trì đà tăng trưởng này, Duy xung phong sang Nhật để mở rộng thị trường. Một lần nữa, tấm bằng Đại học vô hình lại làm chậm bước tiến của anh.

“Vì không có bằng, tôi không xin được visa sang Nhật gặp khách hàng ngay. Quy định visa dài hạn bắt buộc mình phải làm tại công ty ít nhất 1 năm”. Được cấp trên tin tưởng và tạo điều kiện, không nản chí, anh dùng một năm đó để va chạm, cọ xát tại tất cả các bộ phận trong chu trình công việc, cũng như trau dồi thêm về kiến thức và kỹ năng quản lý.

Khi được hỏi anh có bao giờ so sánh mình với những người có khởi điểm lợi thế hơn, anh lập tức nói: “Không, tôi luôn chỉ tự so sánh với quá khứ của chính mình. Tôi có những người cấp trên luôn coi trọng kỹ năng của nhân viên hơn bằng cấp và có ý chí của riêng mình. Đó vừa là lợi thế, vừa là may mắn”. Sau một năm, công sức được báo đáp, anh trở thành cánh tay phải cho những người đàn anh, người cấp trên trực tiếp, tận sức chinh chiến với các khách hàng lớn tại Nhật.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ, Duy không giấu nổi sự hào hứng về “khách hàng khó nhất cũng là khách hàng đầu tiên”. Trong dự án xử lý dữ liệu bản vẽ ô tô cho một tập đoàn hàng đầu thế giới, anh đã gặp phải những yêu cầu “dường như không tưởng về chất lượng” trong lần đầu xung trận. Để đạt độ chính xác 100%, quy trình ứng dụng AI Scan và nhận biết bản vẽ, rồi đi qua 2 lượt kiểm tra, nhưng khách hàng nhất quyết phải chính xác ngay từ lớp thứ hai.

“Có những bản vẽ to đến 10m2, chi chít chữ viết tay 3 thứ tiếng ở bên lề”, Duy biết và hiểu vì sao khách hàng khắt khe đến vậy.

Anh kể lại trải nghiệm đã thay đổi mình. Bản vẽ ô tô có tính nhạy cảm, chỉ cần một sai số nhỏ cũng có thể dẫn đến việc phải thu hồi hàng nghìn chiếc xe, cũng như dễ dàng xảy ra tai nạn. “Thật may là tôi kêu gọi được trợ giúp từ những người đồng nghiệp rất giỏi”. Từ lúc đầu “đơn thương độc mã”, đến cuối dự án Duy đã có hơn một chục chuyên gia hỗ trợ. “Nhờ vậy, tôi thuyết phục và chứng minh được với khách hàng, được họ tin tưởng”, anh nói

Năm 2021 được xem là năm đột phá của Top 100 FSOFT 2020 Nguyễn Trường Duy khi chàng trai cùng đồng đội vượt mọi rào cản, tiếp sức cho dự án hàng chục triệu USD của DPS. Không những vậy, Duy đã xung phong rời Tokyo đến onsite dài hạn tại Kitakyusyu làm nhiệm vụ “phá băng”, tạo tiền đề để khách hàng kí hợp đồng gần 50 triệu USD với DPS.

Cũng trong năm qua, giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Đà Nẵng, anh Duy xung phong về Việt Nam để đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ tại FSOFT Đà Nẵng, thực hiện dự án lớn nhất cho FJP từ trước đến nay. Anh đã giúp đội ngũ dự án chuẩn hóa tài liệu, tham gia hỗ trợ quản lý nhằm cải thiện năng suất, chất lượng dự án. Chính sự tận tâm và tận lực của anh đã góp phần đem lại sự tin tưởng tuyệt đối từ phía khách hàng.

Không chỉ nhận được sự tín nhiệm từ phía khách hàng, anh Duy còn nhận được sự quý mến từ đồng nghiệp bởi tinh thần gắn kết vượt trội, luôn năng nổ tham gia các hoạt động tại DPS nói riêng và FJP nói chung.

Như một điều tất yếu, “quả ngọt” đã đến với chàng trai luôn nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ. Dành lợi thế bình chọn áp đảo, danh hiệu “Hoa hậu FJP 2021” đã gọi tên Nguyễn Trường Duy.