23 C
New York
Thứ Tư, Tháng 7 9, 2025

Buy now

[FJP20] Những khoảng cách vô hình…

Dự án ấy, nếu chỉ nhìn vào kế hoạch ban đầu, thì rất lý tưởng: Nhân lực đầy đủ, deadline rõ ràng, các thành viên đều tự tin về năng lực của mình. Nhưng rồi, tôi sớm nhận ra rằng kỳ vọng chỉ đẹp khi có sự đồng lòng.

Tôi, với vai trò BrSE, đứng ở giao điểm giữa khách hàng và team offshore – một vị trí không dễ, nhưng tôi tin vào sự phối hợp, tin vào sức mạnh của chia sẻ và trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, không phải lúc nào sự kết nối cũng diễn ra suôn sẻ. Có lúc, tôi thấy mình lo lắng, rồi mỏi mệt – không hẳn vì công việc quá tải, mà vì sự im lặng giữa các đầu mối. Những trao đổi kỹ thuật thiếu hồi đáp, những cập nhật tiến độ đến muộn, có khi sát ngày demo tôi mới nắm được module chưa sẵn sàng. Đó là những tình huống khiến tôi chới với, xoay sở đủ đường để giữ lời hứa với khách hàng.

Tôi đã thử nhiều cách – mềm mỏng trao đổi, nhắc nhở tinh tế, thậm chí đưa vấn đề lên cấp trên để cùng tìm giải pháp. Nhưng đôi khi, kết quả chưa như mong đợi. Tôi nhận ra rằng: không phải lúc nào mọi thứ cũng đi theo kế hoạch, và không phải ai cũng chia sẻ theo cách mình kỳ vọng.

Thế rồi, dự án buộc phải lùi deadline. Tôi xin lỗi khách hàng, đứng ra giải trình và nhận trách nhiệm – không vì ai đúng, ai sai, mà vì tôi là người kết nối. Là BrSE, tôi hiểu vai trò của mình không chỉ là dịch ngôn ngữ hay tài liệu, mà là gắn kết những điểm đứt, lấp đầy khoảng trống giao tiếp và nuôi dưỡng sự đồng thuận.

Tôi từng tự hỏi: “Mình có đang đòi hỏi quá nhiều không? Có cách nào khác để cải thiện tình hình không?”. Và tôi đã có câu trả lời: “Kỹ thuật có thể học, nhưng văn hóa phối hợp là thứ cần được vun đắp qua thời gian”.

Từ trải nghiệm đó, tôi rút ra nhiều bài học đắt giá:

  • Luôn xác lập rõ ràng kỳ vọng và quy tắc làm việc ngay từ đầu – để mọi người đều chủ động và hiểu rõ vai trò.

  • Khi có dấu hiệu bất thường, phản ứng nhanh, phản hồi sớm, thay vì chờ đợi hoặc kỳ vọng vào sự tự hiểu.

  • Và quan trọng nhất, hãy nhớ rằng: một người không thể kéo cả dự án đi xa nếu những người còn lại chưa sẵn sàng đồng hành.

Dự án vẫn hoàn thành – dù không trọn vẹn như kế hoạch. Nhưng tôi biết mình đã lớn lên từ đó. Tôi học cách làm việc với những khác biệt, thấu hiểu nhiều hơn thay vì phán xét, và giữ tinh thần không bỏ cuộc dù đôi lúc mọi thứ tưởng chừng vượt khỏi tầm tay.

Chính những thử thách tưởng chừng “vô hình” ấy đã rèn tôi trở thành một BrSE vững vàng hơn – biết lắng nghe, biết dự cảm rủi ro, và biết gắn kết bằng sự kiên trì.

Đỗ Bùi Duy Nam

Related Articles

Mới nhất