15.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng 5 29, 2025

Buy now

Hành trình EQ: Dừng lại để thở, để hiểu và sống tử tế hơn mỗi ngày

Chuỗi workshop đặc biệt về trí tuệ cảm xúc (EQ) do FJP triển khai trên khắp nước Nhật đã khép lại, mở ra hành trình hướng nội sâu sắc, nơi mỗi cá nhân có cơ hội khám phá bản thân, thấu hiểu cảm xúc và học cách giao tiếp, làm việc hiệu quả hơn trong môi trường đa văn hóa của FJP.

Chương trình lần này được dẫn dắt bởi thầy Dương Quang Minh. Thầy đã dành trọn 10 ngày, đi qua 9 văn phòng, gặp gỡ hơn 200 CBNV, tổ chức 9 buổi chia sẻ tập trung và thực hiện hơn 50 phiên tư vấn cá nhân nhằm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc tâm lý, cảm xúc cho từng người.

Trong xu hướng phát triển cá nhân, trí tuệ cảm xúc (EQ) là một từ khóa quan trọng từ công sở đến gia đình. Theo thầy Minh, EQ không phải là kỹ năng để “diễn”, mà là một cách sống rất thật, trung thực với cảm xúc của mình, nhưng không để cảm xúc dẫn dắt hành vi.

Với giọng kể dí dỏm, gần gũi, người FJP không tiếp cận EQ bằng lý thuyết sách vở. Mỗi buổi học được mở đầu bằng hơi thở – không phải để “thiền” theo nghi thức, mà để học cách dừng lại. Một hơi thở đúng nghĩa là một khoảnh khắc bạn quyết định không phản ứng theo bản năng. Bạn không gào lên khi bị xúc phạm. Bạn không bỏ đi khi bức xúc. Bạn chỉ dừng lại, hít thở, quan sát, và chọn cách phản ứng khác. Đó là điểm bắt đầu của trí tuệ cảm xúc.

Thầy Minh kể, có những lúc chỉ cần dừng lại 10 giây, một câu nói được chọn lại sau hơi thở sẽ tránh được cả một cuộc xung đột. Càng luyện tập, thời gian cần để “thoát khỏi cảm xúc xấu” càng rút ngắn. Từ 10 giây thành 5 giây, rồi chỉ còn một hơi thở. Nhưng điều đặc biệt là: đó không phải là nén cảm xúc – mà là thấy rõ cảm xúc, để rồi chọn hành vi không làm tổn thương ai, kể cả chính mình.

Cảm xúc không sinh ra từ sự kiện, mà sinh ra từ suy nghĩ đánh giá sự kiện đó. Sự kiện là một, nhưng cảm xúc lại hoàn toàn khác, phụ thuộc vào góc nhìn và cách mỗi người đánh giá. Vì vậy, thay vì cố kiểm soát cảm xúc, người có EQ cao là người biết nhìn lại cách mình đang nghĩ. Và khả năng đó chỉ đến khi bạn dừng lại đủ lâu để nhìn sâu vào chính mình.

Thầy phân biệt rõ ràng giữa “làm chủ hành vi” và “làm chủ cảm xúc”. Làm chủ hành vi là bạn có thể không quát nạt, không tức giận bộc phát, nhưng bên trong bạn vẫn sôi sục. Làm chủ cảm xúc là bạn nhìn thấy cơn giận, hiểu được gốc rễ nó từ đâu mà ra, và từ đó, cảm xúc không còn cầm lái cuộc đời bạn nữa.

Tham gia workshop, mỗi thành viên còn được hiểu rõ cấu trúc não bộ – mối quan hệ giữa tầng não bản năng (limbic system) và tầng lý trí (prefrontal cortex). Khi bị cảm xúc chi phối, não dưới sẽ lấn át hoàn toàn phần não tư duy, dẫn đến hành vi mất kiểm soát. Hơi thở chính là công cụ “chuyển tầng”, là “công tắc” giúp bộ não quay lại vùng lý trí để đưa ra phản ứng tử tế và thông minh hơn.

Một số CBNV chia sẻ, đây là lần đầu tiên họ hiểu rõ được cơ chế vận hành của cảm xúc, hiểu vì sao mình tức giận, vì sao mình tổn thương, và từ đó biết cách điều chỉnh để không phản ứng một cách vô thức.

Các thành viên cũng tập quan sát hơi thở, cảm nhận rõ ràng từng đợt lên xuống nơi bụng, và phát hiện ra rằng chỉ một hơi thở thôi cũng đủ để giữ lại một hành vi có thể khiến mọi thứ đi chệch hướng. Họ cảm thấy mình bình tĩnh hơn khi đối diện căng thẳng, bắt đầu nhìn thấy “lợi mình, lợi người” trong cách xử lý thay vì phản ứng theo cảm xúc bản năng. Có người thốt lên rằng chỉ cần hiểu được não bộ điều khiển cảm xúc như thế nào, thì việc làm chủ cảm xúc không còn là điều mơ hồ nữa. Nhiều người khác thấy mình bắt đầu “thở có ý thức” hơn – không phải để thư giãn, mà để trở lại làm chủ chính mình trong khoảnh khắc cần thiết.

EQ, cuối cùng không phải là kỹ năng mà là thái độ sống. Một người sống với EQ là người trung thực với chính mình, không đè nén, không giả tạo, nhưng cũng không để cảm xúc phá hoại điều quý giá. Một người như vậy có thể vẫn buồn, vẫn giận, nhưng họ biết cách xử lý nỗi buồn, nỗi giận đó mà không đẩy nó lên người khác. Và họ sẽ là người mà ai cũng muốn đến gần.

Trong 10 ngày, với 9 điểm đến và hàng trăm cuộc gặp gỡ, thầy Dương Quang Minh không dạy EQ – thầy sống EQ. Từ câu chuyện “cái cưa dưới thềm nhà”, tới “chiếc xe chạy 300km mỗi ngày”, tới “cái bánh sai màu”… tất cả đều là những tình huống rất đời thường. Nhưng trong từng khoảnh khắc đó, bạn luôn có quyền chọn một hướng đi khác tốt đẹp hơn nếu bạn dừng lại kịp lúc.

Related Articles

Mới nhất