19 năm gắn bó với FPT, trong đó có 18 năm làm việc tại Nhật Bản, anh Phạm Thanh Tuấn đã quen với văn hóa và phong cách làm việc của đất nước mặt trời mọc. Thế nhưng, khi xung phong ‘chuyển vùng’ sang Trung Quốc – thị trường tỷ dân với quy tắc kinh doanh và ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt, anh lại bắt đầu một hành trình mới từ con số 0.
Năm vừa qua, thành công lớn nhất của anh Tuấn và đồng đội là mở văn phòng mới, tiến tới thành lập pháp nhân cho FPT tại Đại Liên, xây dựng đội ngũ gần 100 nhân sự và kết nối chặt chẽ với FPT Japan cũng như các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Đây là bước đi quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho tham vọng đưa FPT China trở thành OB Tier 1 của FPT Software.

Không dừng lại ở đó, một cột mốc đáng chú ý khác là thương vụ M&A đầu tiên tại đại lục giữa FPT với OKI, được hoàn tất chỉ trong vòng 4 tháng. Nhờ thương vụ này, quy mô nhân sự FPT China tại Đại Liên tăng lên hơn 200 người – một bước tiến quan trọng giúp FPT China mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ.
Suốt hành trình của mình, anh Tuấn chưa bao giờ coi thử thách là trở ngại. Anh tốt nghiệp khoa Điều khiển – Đại học Bách Khoa Hà Nội, không xuất thân từ ngành IT. Cơ duyên với FPT đã mở ra con đường mới: từ một lập trình viên, anh vươn lên các vị trí Project Manager (PM), Onsite Leader, Delivery Lead và giờ đây là CEO của FPT China.
Khi sang Trung Quốc, anh Tuấn phải đối diện với hàng loạt khó khăn: không biết tiếng, chưa hiểu văn hóa kinh doanh, chưa có quan hệ với các doanh nghiệp, chính phủ địa phương. Tuy nhiên, thay vì ngần ngại, anh Tuấn coi đó là cơ hội để bản thân học hỏi và thích nghi.
Bài học đầu tiên mà anh rút ra chính là: muốn thành công ở thị trường mới, cần có đồng đội am hiểu bản địa. Từ đó, anh bắt đầu bằng việc xây dựng mối quan hệ với chính quyền, doanh nghiệp, tìm hiểu cách tư duy và phong cách đàm phán của người Trung Quốc. Một trong những điểm khác biệt lớn nhất chính là tốc độ làm việc – khách hàng Trung Quốc yêu cầu phản hồi cực nhanh, chậm nhất chỉ từ 1-3 ngày.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị cũng đặt ra không ít thách thức khi một số công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc. Anh Tuấn lại nhìn thấy tiềm năng: FPT có thể tận dụng nguồn lực công nghệ dồi dào tại đây để đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất ra thị trường toàn cầu.
Ngoài năng lực chuyên môn, anh Tuấn còn nổi trội bởi triết lý lãnh đạo. Anh tâm niệm: “Là người quản lý nhưng không bao giờ làm hết việc một mình. Quan trọng nhất là teamwork – làm sao để mỗi người trong tổ chức đều cảm thấy mình có giá trị và có đóng góp ý nghĩa”.
Dự án PPHontai chính là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần này. Đây là dự án fixed-price lớn nhất của FPT Software tính đến năm 2016, trị giá 7 triệu USD với 470 người tham gia, triển khai trong thời gian kỷ lục chỉ 4 tháng. Khi nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh vẫn ấn tượng về tinh thần đồng đội – những tháng ngày làm việc không kể ngày đêm, anh em cùng nhau vượt qua mọi thử thách để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Không chỉ trong công việc, ngoài cuộc sống, anh Tuấn cũng luôn giữ tinh thần lạc quan và cởi mở. Anh tin rằng khi gặp khó khăn, điều quan trọng nhất là có thể chia sẻ với đồng đội, bạn bè để tìm ra hướng đi mới.
Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà nhận xét: “Tuấn là một người luôn lạc quan, không ngại khó và luôn tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề. Nhờ tinh thần đó, anh đã dẫn dắt nhiều dự án thách thức đến thành công”.
Trong 3 năm tới, anh Tuấn đặt mục tiêu đưa FPT China trở thành OB Tier 1 của FPT Software và quy mô 3.000 nhân sự vào năm 2029. Anh tin rằng, Trung Quốc là thị trường lớn không thể bỏ qua. Dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút lui, nhưng đó là cơ hội để mở rộng sự hiện diện của FPT, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp nội địa.
Hiện thực hóa tham vọng này, anh Tuấn tiếp tục học hỏi mỗi ngày. Từ những ngày đầu ở Trung Quốc, anh không chỉ lo về công việc mà còn phải thích nghi với cuộc sống mới. Trưa nào anh cũng dành một giờ học tiếng Trung, buổi tối tranh thủ luyện tập. Đây cũng là cách anh đã từng làm khi mới sang Nhật Bản, và giờ tiếp tục áp dụng tại Trung Quốc.
“Ngày mới ra trường, tôi từng mong có một công việc tốt, lương cao, được làm với khách hàng lớn. FPT đã cho tôi tất cả – cơ hội học hỏi, làm việc với những công ty hàng đầu thế giới, được ra nước ngoài, trưởng thành qua từng dự án. 19 năm qua, tôi chưa bao giờ ngừng tự hào khi làm việc tại FPT”, anh Tuấn chia sẻ.
Từ một lập trình viên không xuất thân ngành IT đến nhà lãnh đạo tiên phong đưa FPT vươn xa tại thị trường tỷ dân, hành trình của anh Tuấn là minh chứng cho bản lĩnh, sự kiên trì và tinh thần học hỏi không ngừng. Nỗ lực mở rộng thương hiệu FPT tại Trung Quốc, anh Tuấn đang viết tiếp câu chuyện về một người Việt Nam bứt phá giới hạn, chinh phục những đỉnh cao mới trong ngành công nghệ toàn cầu.