16.2 C
New York
Chủ Nhật, Tháng Chín 29, 2024

Buy now

Kỹ sư IT Việt Nam với cơ hội bứt phá tại Nhật Bản

Đối mặt với những vấn đề lớn về dân số và địa chính trị, Nhật Bản ngày càng thiếu hụt nhân lực nói chung và nhân lực ngành IT nói riêng. CPO FJP Trịnh Văn Thảo khẳng định, đây chính là “cánh cửa rộng” đón các kỹ sư Việt Nam sang lập nghiệp.

Sáng ngày 20/9, FSOFT đã tổ chức Hội thảo “Nhật Bản – Điểm sáng cho nhân sự ngành ICT trong bối cảnh toàn cầu” với sự tham gia của các thầy cô giảng viên, lãnh đạo các trường Đại học, các Hiệp hội cùng sinh viên. CPO FJP Trịnh Văn Thảo là diễn giả của chương trình với phần chia sẻ bức tranh chung về nhu cầu nhân lực trong ngành ICT tại châu Á.

Theo điều tra của hãng McKinsey về nhóm ngành/ lĩnh vực ảnh hưởng tới xã hội cho thấy, ICT là nhóm ngành đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng. Vị trí này có thể còn cao hơn trong bối cảnh hiện tại. Bởi theo anh Thảo, tư duy lập trình hệ thống được xem là “khởi nguồn” trong vận hành doanh nghiệp.

Tại khu vực châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ vốn được coi là những thị trường ICT sôi động, trong đó, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển CNTT khu vực nhờ vị thế trong quá khứ.

Giá trị của thị trường ICT ở Nhật rơi vào 370 tỷ USD/năm. Những mảng có tỷ trọng cao nhất là thiết bị phần cứng và Viễn thông. Các công ty hoạt động chính trong ngành được chia ra theo các lĩnh vực như Infra, IT services, Cloud services với nhiều tên tuổi lẫy lừng.

Từ nay tới 2027, Nhật Bản sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ngành ICT cao, trong đó IT services chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 7800 tỷ Yên, tăng trưởng khoảng 65%. IT services, Cloud services và AI sẽ nắm giữ những vị trí cao trong tỷ lệ này.

Mặc dù nhu cầu thị trường lớn, nhưng Nhật Bản lại phải đối diện với các vấn đề xã hội là tỷ lệ sinh thấp. Thống kê chưa đầy đủ, đất nước này giảm 1 triệu người trong độ tuổi lao động mỗi năm.

Bộ Meti (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) dự báo, tới năm 2030, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 790.000 kỹ sư IT. Chưa kể những vấn đề về địa chính trị giữa Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực, do đó, Việt Nam và các quốc gia khác đang đón nhận cơ hội này.

“Khảo sát của các công ty Nhật, Việt Nam chiếm 48% điểm trọng số là thị trường mà các quốc gia hướng tới trong chiến lược phát triển ICT”, anh Thảo nhấn mạnh.

Trong ngành CNTT, Việt Nam đã tiếp cận thị trường Nhật từ khá sớm và đã có những kinh nghiệm nhất định. Chưa có thống kê chính thức nhưng có khoảng 50 công ty IT Việt Nam có văn phòng tại Nhật. Vào tháng 7 vừa qua, với tinh thần hợp tác, cùng học hỏi để đón đầu cơ hội, FPT và các doanh nghiệp khác đã thành lập Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam tại Nhật (VADX) với mục tiêu 2035 sẽ đạt doanh thu 7 tỷ đô.

Hiện, số lượng kỹ sư IT ở Nhật hiện có khoảng 6.000, trong tương lai gần, FJP và VADX mong muốn đưa con số này tăng lên 10.000 người.

Dịp này, anh Thảo cũng đã giới thiệu về FJP sau 19 năm phát triển tại xứ sở hoa anh đào với nhiều mô hình hoạt động.

Với hơn 3.700 CBNV từ 32 quốc tịch, làm việc tại 17 văn phòng trên khắp nước Nhật, FJP là công ty IT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật. FJP đang xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, bình đẳng, tạo cơ hội không giới hạn cho mỗi cá nhân.

Năm 2024, FJP đặt mục tiêu doanh số 699 oku Yen (OKR là 735 oku Yen), tương đương tăng trưởng 39%. Về dài hạn, con số này là 1.026 oku Yen, tương đương với 1 tỷ USD, lọt top 20 các công ty IT tại thị trường Nhật Bản vào năm 2026.

Với những dấu mốc tăng trưởng trong gần 2 thập kỷ, CPO FJP nhấn mạnh: “Tiềm năng thị trường vô cùng to lớn, chúng ta đang có cơ hội cùng nhau xây dựng vị thế trên thị trường IT tại Nhật cao hơn nữa trong tương lai”.

Related Articles

Mới nhất